Chơi cây cảnh - "Nghề chơi cũng lắm công phu", vâng đó là câu nói cửa miệng của người chơi cây cảnh, cái nghề mà người giàu lên cũng nhiều mà người khuynh gia bại sản cũng nhiều. Tôi không phải là người chơi cây, cái vốn về cây cảnh của tôi cũng ít, cái cách mà tôi có được cái vốn đó nó khá dài dòng và lủng củng.
Hồi tôi đang còn là sinh viên sư phạm năm thứ 3, cuối năm có hội chợ cây cảnh tổ chức tại sân vận động tỉnh, một ngày rảnh rỗi cuối tuần cô bạn tôi rủ đi hội chợ xem cây, , sinh viên chúng tôi dù gì cũng ham chơi rồi, đi mua sắm với bạn gái còn e ngại tý chút chứ đi dạo ngắm cây thì khỏi phải nghĩ, thế là tôi đồng ý ngay.
Cô bạn nhà ở phố - tôi ở tỉnh lẻ - lại có bố cũng trồng phong lan nên vốn kiến thức về các loại hoa phong lan của cô ấy cũng khá. Đi dạo một hồi đến khu vực toàn phong lan đẹp mê hồn, tím, vàng, trắng, đỏ loạn cả lên, tôi thì trố mắt nhìn chả biết loại nào tên gì, cô bạn nhìn vẻ ngây ngô của tôi hỏi: Cậu có biết tên loại nào không?
Cha mẹ ơi, với tôi thì "hoa xét cho cùng cũng chỉ là .... bộ phận sinh sản của cây" nên làm gì biết tên của cây nào chứ.
Không! hì hì..
Lan dendro |
Thế là cô bắt đầu nói về các cây phong lan: cây tím tím, cánh to, lá phiến dày xanh này là dendro, cây
treo trên cao kia là lan thiên mẫu, cây hoa vàng trông tựa như cái váy vũ nữ này là nữ hoàng y, cây lá có viền trắng này là mạc biên, cây leo cây kia là lan tai trâu.... Tôi dỏng tai nghe và cố ghi nhớ lấy từng cây để làm vốn mở mang đầu óc về các loài hoa, mà các loài phong lan hình như không có quả, thế thì sinh sản thế nào được chứ.
Sau khi hết vốn kiến thức về phong lan của cô bạn, chúng tôi đi sang khu vực cây cảnh. Mấy gốc cây xù xì giống mấy cây nhà tôi trồng ngoài bờ dậu thế mà giá cao chất ngất, bằng cả mấy sào lúa nhà tôi. Quả là người thành phố lạ, gốc cây còn quý hơn cả lúa gạo, tôi đọc được tên của gốc cây đó là "huynh đệ". Nhìn quanh một hồi chả thấy có gì thú vị nữa, chúng tôi đi uống nước rồi về.
Bẵng đi một thời gian, một hôm tôi đem cái thế cây cảnh nọ nói chuyện với cậu bạn người Nam Định, nói xong tôi bình luận một câu "chắc là hai cái cành cây trên một gốc, cắt cành cao cành thấp giống như hai anh em nên họ gọi là huynh đệ". Cậu bạn cười ra vẻ hiểu biết: Mày có biết bạt phong hồi đầu là gì không?
Đến mấy ngày tôi mới nghĩ được cái ý nghĩa của cây kia, giờ hỏi thế khác nào đánh đố nhau chứ, tôi ngơ ngác lắc đầu.
"Bạt phong là gió thổi bạt đi, hồi đầu là vẫn cố ngoảnh đầu nhìn lại"- cậu bạn giải thích.
Ha ha, giống kiểu cố nhìn đối thủ lần cuối rồi chết như trong kiếm hiệp nhỉ? Sao mày biết giỏi vậy?
Bạt phong hồi đầu |
"Tao nghe lỏm được mấy ông chơi cây cảnh nói vậy! Ha ha ha!" - Cậu bạn giải thích.
Và cũng từ đó tôi thấy mấy cái gốc cây hình thù quái dị nhìn vào cũng có ý nghĩa ấy chứ, tỉ như kiểu bọn trẻ con nhìn lên các đám mây và nghĩ ra các con vật vậy. Tôi đem các thế kiếm hiệp gắn vào cho chúng cho dễ nhớ, đủ cả song kiếm hợp bích, thần long bãi vĩ, giáng long thập bát chưởng..v.v.
Ra trường, có một thời gian tôi làm việc tại Ninh Bình, quản lý của công ty tôi cũng là người thích chơi cây cảnh, tôi chơi thân với anh nên anh hay rủ tôi đi xem cây, anh đặc biệt thích mấy cây cần thăng và gốc lộc vừng. Anh hỏi tôi có biết về cây cảnh không?
Tôi bắt đầu bốc phét các thế cây tôi biết, trong đó có cả cái thế mà cho đến giờ tôi vẫn buồn cười, đó là cái thế "nhất trụ kình thiên" - cái thế này là chiêu võ trong kiếm hiệp, là đòn đánh bằng gót chân thẳng xuống, tôi hình dung và đem đặt cho mấy cái cây thẳng đứng như cây cau vậy. Khà khà, anh chẳng biết vẫn cho là có ý nghĩa.
Anh đưa tôi đi vào mấy làng ven núi ngay cạnh Tam Cốc - Bích Động để xem và tìm mua các cây cảnh về trồng, từ đây vốn kiến thức về cây cảnh của tôi được mở mang hơn, tôi biết thêm được thế Long giáng, thế Long thăng, thế huyền, thế trực ....Cây cảnh được người dân lấy trên núi về ươm trồng và tạo thế, tạo dáng tùy hứng. Một lần vào nhà ông cụ nọ, ông trồng các loại cây cảnh từ ổi, sung, đa, lộc vừng, xanh, thông..v.v. Mỗi gốc cây ông lại có bài thơ bình về thế cây nữa chứ, thật đáng khâm phục cái thú vui tao nhã.
Thấy hay hay, tôi lục tìm trên giáo sư google các thế cây cảnh, lúc này tôi mới biết những cái mà tôi biết chỉ là hạt cát trên sa mạc mà thôi, thế cây phần do ngẫu hứng đặt ra, phần do gắn với đời sống hoặc các hình ảnh đẹp mà tạo ra cây thế như: tiều phu quải tử, lão mai sinh quý tử, phu thê, quần tam, dáng siêu, nghênh phong...
Các tán cây khác nhau cũng được đặt tên có ý nghĩa khác nhau như: ngũ phúc, thất trọng thiên, cửu trọng thiên...
Thời thịnh của cây cảnh đang lên, cây được bảo vệ kỹ càng, xích sắt to như xích tàu thủy, có nhà còn mắc điện, xích chó gần cây để canh chừng trộm.
Mâm xôi con gà |
Hội chợ triển lãm cây cảnh tại công viên Ninh Bình, tôi và anh đến xem. Nhìn cây bonsai cao chừng 60cm, gốc to chừng bắp tay có giá niêm yết 60 triệu, anh trầm trồ cây đẹp. Tôi nhìn kỹ thấy cây cũng đẹp thật, dáng xuy phong. Đó là cây tùng la hán. Thời điểm đó tùng la hán đang có giá rất cao, nghe đâu lúc đó bên Nam Trực - Nam Định có cây gốc đường kính 20cm, dáng thẳng cao không thế mà có giá 800 triệu, gia tài cả đời người không bằng. Sau đó một thời gian, giới chơi cây một phen bàn tán xôn xao cây xanh giá bạc tỷ có thế đằng vân thập toàn cũng ở Nam Trực, nghe xong mà tôi muốn đi buôn cây cảnh quá!
Giờ đây cây cảnh giá bạc tỷ không thiếu và cũng không còn bàn tán xôn xao nữa, câu chuyện về cây không còn là giá cả mà là dáng đẹp, cổ thụ và thế cây tự nhiên.
Nhận xét
Đăng nhận xét